Những tưởng Tây Lương Nữ Quốc trong "Tây Du Ký" chỉ là chuyện hư cấu nhưng sự thật là một vương quốc như vậy đã và đang tồn tại hơn 2.000 năm qua.
Đó là bộ tộc Mosuo, một bộ tộc Phật giáo cổ xưa sinh sống quanh hồ Lugu, tỉnh Vân Nam, thung lũng phía tây nam Trung Quốc, gần chân núi phía đông của dãy Himalaya.
Bộ tộc Mosuo sinh sống quanh hồ Lugu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Bộ tộc mẫu hệ cuối cùng của Trung Quốc
Người dân Mosuo sống theo chế độ mẫu hệ và có lẽ đây là bộ tộc mẫu hệ duy nhất còn sót lại ở Trung Quốc.
Theo đó, phụ nữ nắm mọi quyền hành, quyết định mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, dòng họ hay trong làng. Phụ nữ Mosuo sở hữu và kế thừa tài sản, ruộng đất. Công việc của họ là nuôi dạy và chăm sóc con cái.
Đàn ông phải làm việc nặng như cày ruộng, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giết mổ gia súc. Đàn ông Mosuo không có địa vị hay tiếng nói trong bất cứ vấn đề gì. Thậm chí, trong ngôn ngữ của bộ tộc Mosuo, không có từ nào mang ý nghĩa "chồng" hoặc "bố". Tờ The Guardian của Anh còn ví đàn ông Mosuo giống như "người hiến tặng tinh trùng tự nguyện".
Những đứa trẻ sinh ra đều mang họ mẹ, sống với bà, mẹ, cô, dì, được nhà ngoại nuôi dưỡng và sẽ chẳng ai quan tâm cha chúng là ai.
Người cha có thể không có hoặc có rất ít trách nhiệm với con mình. Nếu muốn có liên quan tới việc nuôi dạy con, người cha sẽ phải mang lễ vật tới gia đình người mẹ và bày tỏ ý định đó.
Mặc dù không có nghĩa vụ nuôi dưỡng con mình, đàn ông Mosuo vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng những đứa trẻ được sinh ra bởi những người phụ nữ trong gia đình mình, đó là con của em gái, cháu gái và cô, dì... của họ.
Phụ nữ Mosuo là người quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống chứ không phải đàn ông.
Người phụ nữ Mosuo trong trang phục truyền thống.
"Hôn nhân đi bộ" hay tập tục "tẩu hôn"
Thiếu nữ Mosuo đến tuổi 13 sẽ được bà nội, mẹ hoặc một phụ nữ có địa vị trong dòng tộc cử hành lễ Thành Niên. Sau nghi lễ này, các cô gái sẽ trở thành phụ nữ và phải dọn ra ở căn gác có cửa sổ lớn sát cổng nhà nhất để bắt đầu "tẩu hôn" (còn gọi là "hôn nhân đi bộ").
Các cô gái có thể mời chàng trai mình thích tới nhà và thẳng thừng cấm cửa những người không ưng ý.
Thiếu nữ Mosuo đến tuổi 13 sẽ được bà nội, mẹ hoặc một phụ nữ có địa vị trong dòng tộc cử hành lễ Thành Niên.
Chàng trai được chọn sẽ cưỡi ngựa sang nhà cô gái vào ban đêm, mang theo một chiếc nón rồi leo lên chiếc thang mà cô gái bắc sẵn để vào căn gác của cô. Chiếc nón sau đó sẽ được cô gái treo ngoài cửa sổ để người đến sau thấy mà rút lui. Họ sẽ ở bên nhau suốt đêm nhưng người con trai phải lặng lẽ ra về trước bình minh.
Mối quan hệ này có thể kéo dài từ một đêm tới lâu dài, song không có bất kỳ sự ràng buộc hay chia sẻ nào giữa họ.
Phụ nữ Mosuo có thể sinh con nhưng chẳng người đàn ông nào được trở thành cha của những đứa trẻ mà họ sinh ra.
Góc nhà của người Mosuo.
Trên thực tế, phụ nữ Mosuo không thay đổi người tình quá thường xuyên. Từ sau thập niên 1970, sự can thiệp của chính phủ cũng giúp làng Mosuo dần thay đổi. Chế độ một vợ một chồng dù không tồn tại nhưng nhiều phụ nữ quyết định chỉ gắn bó với một người đàn ông duy nhất của mình.
Gia đình là điều quan trọng
Người Mosuo coi gia đình là điều quan trọng hơn bất kỳ các mối quan hệ khác. Cấu trúc gia đình của họ cực kỳ bền vững, nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Vì không có hôn nhân nên người Mosuo không có khái niệm "ly dị" hoặc "ly thân", tranh giành quyền nuôi dưỡng con cái hay phân chia tài sản.
Người Mosuo coi gia đình là điều quan trọng.
Chính những điều đặc biệt ấy khiến Musuo trở nên hấp dẫn và ngày càng thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, nền công nghiệp du lịch phát triển cũng đang dần làm thay đổi nền văn hóa lâu đời của nơi đây.
Các cô gái bắt đầu kết hôn với người ngoại tộc, sống cùng chồng và con thay vì chỉ ở nhà mẹ đẻ như trước. Dẫu vậy, họ vẫn luôn biết có bàn tay của bà, của mẹ che chở mỗi khi trở về quê hương...
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét