Đúng 8h sáng ngày 31/12, tuyến buýt nhanh (BRT) của Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Tuyến buýt BRT dài 14,7 km chạy qua 21 nhà chờ dọc tuyến, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD.
Theo thông tin trên TTXVN, VietNamNet, 8h sáng nay, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã phát lệnh mở tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, đồng thời cắt băng khai trương tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Thủ đô.
Cắt băng khai trương tuyến buýt nhanh BRT 01 tại bến xe Kim Mã. Ảnh: VNN |
Ngay sau lễ khai trương, những chuyến xe buýt nhanh đầu tiên chính thức lăn bánh trên lộ trình có tổng chiều dài 14,77km, qua 21 nhà chờ giữa 2 trạm đầu cuối.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền thị sát trên chuyến buýt nhanh đầu tiên. Ảnh: Tiến Hiếu |
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Vũ Hà - Giám đốc BQLDA giao thông đô thị Hà Nội cho biết, việc đưa vào vận hành tuyến buýt BRT này sẽ nâng cao năng lực vận tải khách công cộng của Hà Nội, thu hút hành khách trên tuyến có thói quen sử dụng, giảm ùn tắc giao thông. Mặc dù áp lực giao thông sẽ ảnh hưởng đến vận hành, nhưng vời sự phối hợp của các lực lượng chức năng sẽ góp phần làm thay đổi ý thức giao thông của người tham gia giao thông, xây dựng nếp sống văn minh hiện đại.
Tuyến ngày thường sẽ có 358 lượt/ngày, chủ nhật 264 lượt/ngày. Tần suất 5 - 10 - 15 phút/lượt. Giá vé 7.000 đồng/lượt.
Có mặt chỉ đạo tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đây là dự án lần đầu tiên triển khai, nên gặp không ít khó khăn, song với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, hy vọng tuyến buýt sẽ đảm nhận tốt vai trò vận tải hành khách công cộng.
Để đảm bảo BRT đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả, ông Hùng yêu cầu thanh tra giao thông, CSGT bố trí lực lượng trên tuyến, đặc biệt là tại các nút giao hướng dẫn người dân đi lại đảm bảo an toàn.
Tổng công ty Vận tải Hà Nội chỉ đạo tổ chức vận hành tuyến BRT theo đúng biểu đồ chạy xe được phê duyệt, bố trí nhân viên hướng dẫn người dân tiếp cận tại các nhà chờ, xe buýt đảm bảo an toàn, văn minh.
Một số chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phát triển giao thông cũng cho rằng, mục tiêu để thực hiện dự án buýt nhanh tại Hà Nội là đảm bảo trật tự giao thông, hạn chế ùn tắc và tăng khả năng thông hành của hành khách đi xe buýt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, ngăn và cấm đường trên diện rộng tại làn dành cho xe buýt nhanh sẽ gây ra hệ luỵ lớn, thậm chí hệ luỵ kép đối với giao thông. Trong khi đó năng suất vận chuyển của buýt nhanh trên tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa thực tế chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân.
Đức Hòa (tổng hợp)
Nguồn : Tin Nhanh Online
Đăng nhận xét