Liên quan đến vụ cháy lớn kéo dài 5 ngày tại Công ty Kwong Lung Meko, sau khi đám cháy được dập tắt, chiều 27/3, khi thực hiện khám nghiệm hiện trường thì lực lượng chức năng phát hiện hệ thống điện bị cháy đầu tiên, sau đó lan sang hàng hoá.
Sau 5 ngày cháy, 2 dãy tòa nhà 5 tầng của công ty may trong Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ sập đổ tan hoang. Ảnh: PLO |
Báo cáo tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Cần Thơ mở rộng sơ kết quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2017 vào sáng nay 28/3, Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết vào chiều 27/3, khi thực hiện khám nghiệm hiện trường thì lực lượng chức năng phát hiện hệ thống điện bị cháy đầu tiên, sau đó lan sang hàng hoá.
Do công ty này có diện tích nhà xưởng rộng lại xây dựng khép kín nên khi xảy ra cháy, nguyên liệu ở giữa bị cháy trước sau đó lan ra ngoài. Vì thế, khi lực lượng PCCC phun nước từ bên ngoài vào thì chưa dập tắt hết lửa.
Bên cạnh đó, nguyên liệu cháy là lông vũ nên khi phun xịt, dù lửa tắt bên trên nhưng bên dưới vẫn còn. Đây là lý do khiến đám cháy bùng phát trở lại nhiều lần, trong khi Cần Thơ chỉ có 2 xe thang không đủ dập tắt lửa.
Trên Người lao động dẫn lời Đại tá Hạnh cho biết: “Khi đám cháy bùng phát trở lại, nhờ sự huy động thêm 7 xe thang từ các tỉnh ĐBSCL và TP HCM với gần 700 cán bộ, chiến sĩ thì đám cháy mới được dập tắt”.
Trao đổi với VietNamNet, Đại tá Trần Đức Đình - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho hay, dù vụ cháy xảy ra gần sông nhưng lực lượng PCCC không có bến bãi để lấy nước mà tập trung lấy nước ở các trụ nước và hồ nước chữa cháy của các công ty trong khu công nghiệp. Chính vì thế, không đủ nước. Và thời điểm cháy, nước thủy triều rút.
Theo thông tin trên Pháp Luật TP.HCM, Tuổi trẻ, cuối giờ chiều 27/3, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Đến thời điểm hiện nay chưa có con số thiệt hại cụ thể của vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Kwong Lung - Meko. Tuy nhiên, qua báo cáo sơ bộ công ty, thiệt hại cháy kho thành phẩm khoảng 6 triệu USD, còn kho lông vũ khoảng 7 triệu USD.
Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cũng khẳng định hiện chưa có con số cụ thể thống kê thiệt hại mà chủ yếu do doanh nghiệp báo cáo nhưng cụ thể ra sao phải phối hợp điều tra xác minh cụ thể.
Để khắc phục sự cố hỏa hoạn lớn nhất từ trước tới nay tại ĐBSCL, lực lượng cảnh sát PCCC tiếp tục bám trụ tại hiện trường để xử lý tiếp các phần việc còn lại.
“Hiện nay lực lượng chức năng đang cho vận chuyển máy móc, sản phẩm từ các khu vực chưa cháy ra ngoài và việc chuyển ra, tập kết được giám sát và kiểm đếm chặt chẽ của các bên có liên quan trong đó có đơn vị bảo hiểm kiểm đếm, ghi nhận, từ đó mới xác định cụ thể thiệt hại ra sao.
Ngoài ra. Công an TP đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt khu vực hiện trường nhằm đảm bảo an ninh trật tự” , Đại tá Hạnh thông tin thêm.
Cũng trong chiều 27/3, Thiếu tướng Đoàn Việt Manh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, có mặt tại hiện trường để nắm thông tin xử lý tiếp theo của lực lượng chức năng tại Cần Thơ.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 428/CĐ-TTg về vụ cháy Công ty trách nhiệm hữu hạn Kwong Lung - Meko tại thành phố Cần Thơ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, không để xảy ra sự cố tương tự. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện 1926/CĐ-TTg ngày 2/11/2016, số 50/CĐ-TTg ngày 18/01/2017 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Được biết, công ty Kwong Lung – Meko hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Cần Thơ từ năm 1988 đến nay. Dù vụ cháy gây thiệt hại số tiền rất lớn, nhưng đầu năm nay, công ty có ký hợp đồng bảo hiểm cháy nổ thời hạn một năm với một công ty bảo hiểm lớn của nước ngoài, với phí hợp đồng hơn 1,1 tỷ đồng. Tổng số tiền mà đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm phải thanh toán cho bên mua là hơn 550 tỷ đồng.
Đức Hòa (tổng hợp)
Đăng nhận xét