Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP. HCM và Cục Thuế vào tháng 2/2017, Sở Công Thương đã kiến nghị tìm cơ chế để thu thuế hoạt động kinh doanh trên Facebook. Kế hoạch cụ thể sẽ được Cục thuế báo cáo UBND thành phố chậm nhất vào đầu tháng 4.
Chị Thúy Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) có shop thời trang và quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội. Chị cho rằng thu thuế trên Facebook cũng được nhưng cần ở mức hợp lý. Ảnh: T.T.D. |
Theo thông tin trên VnEpress, Người lao động, sau khi đặt vấn đề về thu thuế người bán hàng qua mạng nói chung và qua Facebook nói riêng vào tháng 2/2017, Cục Thuế TP. HCM cho biết đang soạn thảo kế hoạch phối hợp với các sở ban ngành nhằm gia tăng tính hiệu quả trong quản lý thuế đối với loại hình này. Kế hoạch cụ thể sẽ được Cục thuế báo cáo UBND thành phố chậm nhất vào đầu tháng 4/2017, để có thể triển khai ngay trong tháng này.
Các đơn vị mà cơ quan thuế phối hợp để nắm thông tin hoạt động kinh doanh qua mạng internet của doanh nghiệp là Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Công Thương, các nhà mạng, ngân hàng, bưu điện…
Vị này cho biết thêm, hiện cơ quan thuế đang dự thảo quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, đã lấy ý kiến trong nội bộ cơ quan và chờ thông tin phản hồi từ các đơn vị sẽ phối hợp trong thời gian tới để hoàn thiện dự thảo.
Trước đó, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP HCM và Cục Thuế vào tháng 2/2017, Sở Công Thương đã kiến nghị tìm cơ chế để thu thuế hoạt động kinh doanh trên Facebook. Kiến nghị này sau đó được Tổng cục Thuế khẳng định là có cơ sở. Vụ chính sách thuế - Tổng cục Thuế cũng đang nghiên cứu việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Zalo…
Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế người bán hàng trên Facebook sẽ không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên khó giám sát. Đó là chưa kể việc phân biệt các cửa hàng dùng Facebook vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên Facebook như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập thì cần quản lý thuế ra sao?
“Giờ nhiều người lên Facebook buôn bán, kiểm soát thuế với các giao dịch mua bán trên đó cũng giống như tìm kim trong một đống rơm, không biết nó nằm đâu mà bới ra. Thế nhưng không có nghĩa khó thì mình không làm, bắt buộc phải có quy định, từ quy định sẽ có biện pháp và công cụ để kiểm soát”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói trên VTC News.
Trước mắt, định hướng chung của cơ quan thuế là sẽ yêu cầu người kinh doanh trên mạng xã hội cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế cá nhân… để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn hình thức kinh doanh này.
Trước thông tin này, nhiều bạn có dự định khởi nghiệp kinh doanh online cảm thấy khá hoang mang, không ít bạn sinh viên cho rằng việc bán hàng trên Facebook chỉ đơn thuần là một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, thay vì tìm kiếm những công việc bán thời gian bị gò bó trong 1 khoảng thời gian nhất định thì các bạn lại lựa chọn cho mình hình thức kinh doanh online trên Facebook, Zalo, hoặc các trang thương mại điện tử, như Sendo, Shopee… vừa có thể kiếm thêm thu nhập, bảo đảm thời gian đến giảng đường đầy đủ và có thể hoàn thành tất cả các bài tập cá nhân và nhóm trên lớp.
Theo những người trong cuộc, để có thể thực hiện thu thuế kinh doanh đối với người bán hàng trên Facebook, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần đưa ra những quy định rõ ràng, văn bản hướng dẫn cụ thể thì người kinh doanh online có cơ sở để thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế của mình cho đất nước.
Đức Hòa (tổng hợp)
Đăng nhận xét