Sau khi cúng mời tổ tiên xong, người Mường cho trâu, bò ăn Tết để cảm ơn chúng đã vất vả cày bừa cùng con người suốt một năm qua.
Ở Việt Nam, dân tộc Mường có khoảng 1,3 triệu người sống tập trung đông nhất ở Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra còn sống tại Phú Thọ, Sơn La, Ba Vì (Hà Nội), Yên Bái, Ninh Bình...
Về phong tục tập quán, người Mường khá gần với người Kinh. Đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Người Mường ăn Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán) từ ngày 27 tháng Chạp đến hết ngày mồng 7 tháng giêng của năm mới. Người Mường gọi là: Thết Năm mởi - dịch sang tiếng phổ thông là: Tết Năm mới, người Kinh gọi là Tết Nguyên đán.
Theo phong tục của người Mường, vào ngày 27 tháng Chạp, toàn bộ con cháu, nhất là nam giới vào khu mồ mả tổ tiên để dọn dẹp, phát quang cây, sửa sang các hòn mộ, đắp đất thêm cho những ngôi mộ. Phụ nữ trong nhà thì mang toàn bộ bát đũa, xoong, nồi, lá dong ra sông, suối rửa sạch. Các nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng cũng được rửa sạch sẽ để chuẩn bị ăn Tết.
Kỳ lạ: Người Mường cho trâu, bò ăn Tết Nguyên đán |
Vào ngày 28 tháng Chạp, nhiều gia đình người Mường bắt đầu gói bánh chưng, bánh uôi và một số loại bánh đặc sản của dân tộc như bánh chéo kheo...
Cũng giống như người Kinh, ngày cuối năm người Mường cũng tổ chức bữa cơm tất niên và gọi là ngày chín lụn- bữa cơm chín lụn. Đây là bữa cơm quan trọng giã từ năm cũ, chuẩn bị đón chào năm mới. Vào đêm giao thừa nhiều gia đình người Mường đánh chiêng, trống, đốt pháo, con cháu ra vó nước lấy nước về đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Vào thời khắc giao thừa, người Mường cũng làm cơm để cúng tổ tiên. Tục tờ cúng tổ tiên của người Mường là thờ đích danh chứ không thờ chung như các dân tộc khác. Ví dụ như người Kinh họ chỉ có một mâm cỗ, một ban thờ mời tất cả tổ tiên về. Tuy nhiên, người Mường các mâm thờ các đời thường thờ đích danh, ví dụ như mâm thờ ông, bà nội đã khuất, người Mường sắp mâm riêng và đặt lên đó 2 bát cơm, 2 bánh chưng, bánh uôi, hai đôi đũa cùng thực phẩm, nếu ông nội có 2 - 3 bà vợ thì theo đó người Mường đặt lên tương ứng 2 - 3 bát cơm, đôi đũa...
Một điểm đặc sắc nhất trong phong tục Tết Nguyên đán của người Mường là cho trâu, bò ăn Tết. Từ trước Tết, người Mường đã chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Sau khi cúng ông bà tổ tiên xong, người Mường cho trâu, bò săn Tết, thường cho chúng ăn 1, 2 bó lúa. Theo quan niệm của người Mường, phải cho trâu ăn trước vì trâu đã làm vất vả cả năm, giúp gia chủ cấy cầy.
Không chỉ có trâu, bò được "ưu ái", những dụng cụ lao động của người dân như cày, bừa, cuốc, dao, liềm...cũng được gia chủ cho ăn Tết. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng. Những vật dụng lao động được rửa sạch trước ngày Tết, được gia chủ đặt ngay ngắn trên cái sạp. Người Mường lấy ra cái nong, nia, say đó, bày các loại bánh, trái...với ý nghĩa là cho nông cụ ăn Tết.
Từ ngày mồng 1- mồng 7 tháng Giêng được gọi là ngày Khai hạ. Vào ngày nay, người Mường đi chúc Tết và tham gia các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc.
H.Yên (tổng hợp)
Nguồn : Tin Nhanh Online
Đăng nhận xét