Theo đánh giá của National Interest, tàu sân bay hùng mạnh nhất là chiếc tàu hoàn thành tốt sứ mệnh của nó, sở hữu những tính năng kỹ thuật nổi bật và thủy thủ đoàn quả cảm. Dưới đây là danh sách 5 tàu sân bay hùng mạnh nhất mọi thời đại.
5. USS Midway (CV-41)
Mặc dù bây giờ đã "nghỉ hưu" và chỉ còn là một con tàu bảo tàng ở bến cảng San Diego, song Midway vẫn xứng đáng được xếp vào danh sách này bởi nó được xem là tàu chiến đa năng nhất lịch sử và lập được những chiến công tuyệt vời.
Tàu sân bay USS Midway (CVA-41) tại Tây Thái Bình Dương ngày 30/11/ 1974. Ảnh: Wikipedia |
Tàu sân bay này được hạ thủy trong Thế chiến II và đi vào phục vụ ngay sau chiến tranh. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, người ta lắp thêm boong, máy phóng bằng hơi nước cùng nhiều thiết bị khác để biến nó thành một siêu tàu sân bay.
Không phụ sự kỳ vọng, Midway đã phục vụ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau đó kéo dài đến cuộc chiến chống lại Saddam Hussein của Iraq vào năm 1991. Sự dẻo dai và linh hoạt khiến "cựu binh" này luôn có mặt trong top những tàu sân bay hùng mạnh nhất mọi thời đại.
4. USS Franklin (CV-13)
Nếu Midway có mặt trong danh sách nhờ ưu điểm kỹ thuật vượt trội thì Franklin lại "ghi điểm" nhờ khả năng phục hồi tốt cùng đội ngũ thủy thủ đoàn dũng cảm trong mỗi trận chiến. Franklin đã chịu tổn thất nặng nề khi tham chiến tại Vịnh Leyte năm 1944.
Sau quá trình sửa chữa tại xưởng bảo trì và đóng tàu hải quân Puget Sound, tàu trở lại hoạt động và nhiều lần tham chiến ở Tây Thái Bình Dương.
USS Franklin (CV-13) cập bến New York ngày 26/4/1945. Ảnh: Wikipedia |
Tháng 3/1945, khi tiếp cận các đảo chính của Nhật, Franklin đã bị tấn công bất ngờ bởi máy bay ném bom của Nhật. Một quả bom đánh trúng ngay giữa sàn đáp, xuyên xuống sàn chứa máy bay, phá hủy và gây ra các đám cháy ở các hầm thứ hai và thứ ba, hủy hoại trung tâm thông tin. Quả bom thứ hai đánh trúng phía sau tàu, xuyên qua hai tầng và gây ra đám cháy cùng các quả đạn bom và rocket.
Vụ tấn công đã khiến 724 người thiệt mạng và 265 người khác bị thương, mạn trái của tàu bị lệch 13 độ. 106 sĩ quan và 604 binh sĩ còn lại đã đưa tàu sân bay này an toàn trở về Trân Châu Cảng rồi từ đó trở về cảng Hải quân Brooklyn. Franklin ngừng hoạt động vào năm 1947.
3. Akagi
Akagi là một tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II. Nó được đặt tên theo dãy núi Akagi thuộc tỉnh Gunma.
Akagi là soái hạm do Phó Đô đốc Chuichi Nagumo, người đứng đầu lực lượng hải quân của đế quốc Nhật Bản, chỉ huy trong trận tấn công Trân Châu Cảng nhằm đánh bại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Akagi đại diện cho lực lượng tấn công của Nhật gồm 6 tàu sân bay tiền tuyến cùng các tàu hộ tống trong trận đánh quan trọng này.
Tàu sân bay này được đánh giá là "đối thủ đáng sợ nhất" trong những lực lượng mà Phó Đô đốc Nagumo chỉ huy. Điều đáng nói nữa là cả chỉ hủy lẫn thủy thủ đoàn trên tàu sân bay Akagi đều là những người quả cảm hiếm thấy.
Tàu sân bay Nhật Bản Akagi, tháng 4/1942. Ảnh chụp từ một máy bay vừa cất cánh. Ảnh: Wikipedia |
Akagi đã trúng bom của máy bay Mỹ vào ngày 4/6/1942. Quả bom đã làm nổ khoang nhiên liệu, gây hư hỏng sân bay và khu đỗ máy bay chiến đấu. Hải quân Nhật Bản đã đánh chìm Akagi vào ngày hôm sau.
Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng cũng đã phô bày điểm yếu của Hải quân Nhật Bản trong việc vận hành các tàu sân bay. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng lực lượng vận hành tàu sân bay này được đánh giá hùng mạnh nhất mọi thời đại nhờ sự táo bạo và tầm nhìn của họ.
2. HMS Hermes (nay là tàu Viraat của Hải quân Ấn Độ)
HMS Hermes được đóng ở Anh và đưa và đưa vào biên chế năm 1959. Khi cuộc chiến Falkland giữa Anh và Argentina nổ ra năm 1982, Hải quân Hoàng gia Anh vội vã thành lập một đội tàu chiến đặc nhiệm, với soái hạm là chiếc HMS Hermes để làm nhiệm vụ tiến sâu hàng nghìn km vào môi trường thù địch để đánh bại đối phương.
Tàu sân bay Viraat của Hải quân Ấn Độ hiện nay. |
Mặc dù chỉ sử dụng động cơ hơi nước cũ kỹ và đang nằm trong diện phải loại biên, HMS Hermes vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, khiến các chiến đấu cơ của Argentina gần như không thể hoạt động ở khu vực chiến sự..
Năm 1985, tàu được nâng cấp để trở thành một tàu chiến chống ngầm và được bán cho Hải quân Ấn Độ, mang tên mới là INS Viraat.
1. USS Enterprise (CV-6)
USS Enterprise (CV-6) là tàu sân bay thuộc lớp Yorktown, được biên chế cho hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ năm 1939. CV-6 tham gia tổng cộng 18 trong 20 chiến dịch lớn ở mặt trận Thái Bình Dương, nhiều nhất trong các tàu sân bay phục vụ trong Thế chiến II. Đây cũng là tàu duy nhất trong ba tàu sân bay của Mỹ được biên chế trước Thế chiến II sống sót qua cuộc chiến.
Tàu sân bay USS Enterprise (CV-6) của Hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
USS Enterprise trực tiếp góp công lớn trong việc đánh chìm 3 tàu sân bay và một tuần dương hạm của Đế quốc Nhật Bản. Hải quân Nhật ít nhất ba lần tuyên bố đã đánh chìm USS Enterprise nhưng rồi nó lại xuất hiện ngay sau đó, khiến con tàu được đặt biệt danh là "Bóng ma xám".
Khi tàu còn đang trong thời gian sửa chữa sau thiệt hại ở chiến dịch Solomon, phi đội máy bay biến đấu của nó vẫn hỗ trợ cho chiến thắng tại Guadalcanal và tiếp tục tham gia các trận chiến tại biển Philippine, vịnh Leyte và Okinawa.
Với những thành tích đó, USS Enterprise xứng đáng ở vị trí số 1 một trong những tàu sân bay tốt nhất trong lịch sử.
Lê Huyền (National Interest)
Đăng nhận xét