Mấy chục năm theo nghề giúp việc theo giờ, đi khắp các nhà để dọn dẹp nhà cửa cho người ta, từ nhà nghỉ, quán karaoke đến chăm bệnh nhân trong viện, cô Liên gặp đủ những chuyện oái oăm mà nếu không nghe cô trực tiếp kể, người ta sẽ nghĩ là chuyện bịa.
Bận rộn với công việc, sáng sớm đặt lưng vào ghế công ty, đến khuya dán mắt vào laptop làm việc, tôi gần như chẳng bao giờ nhúng tay vào làm việc nhà. Tôi được một người bạn giới thiệu khá nhiều người giúp việc nhưng chưa ai khiến tôi hài lòng, cho tới khi gặp cô Liên, tôi đã quyết định "chắc như bắp" rằng cô sẽ là người đồng hành với căn nhà bướng bỉnh của tôi lâu dài.
Vì bản tính ít nói và công việc treo trên đầu khá nhọc, tôi ít khi có thời gian nói chuyện nhiều với cô, đôi khi chỉ là vài câu hỏi han ngắn gọn. Rồi có lúc nhàn việc hơn, tôi và cô trò chuyện khá nhiều, dần dà thân thiết. Ngồi xuống, uống tách trà sau khi giải quyết mớ hỗn độn nhà cửa, cô trải lòng với tôi đôi chút về cuộc đời mình.
Dù cực nhưng cô Liên lúc nào cũng cười nói vui vẻ
Cô gái quê nghèo làm phụ bếp, đầu bếp cho Tây rồi trở thành bà giúp việc "đi muôn nơi"
Từ thời còn là một cô gái trẻ, hồi những năm 60, cô Liên đã bươn chải tìm kế sinh nhai. Theo chân mấy chị bạn cùng quê, công việc đầu tiên của cô là rửa chén cho một nhà hàng Pháp. Sau đó, cô được ‘’nâng cấp’’ lên là phụ bếp ở tuổi 15, và thành đầu bếp năm 20 tuổi.
Tưởng chừng như cuộc đời suôn sẻ, cô sẽ điềm nhiên sống, nhưng khi biến cố lịch sử xảy ra, cô bị mất việc. Chuỗi ngày sau đó, cô Liên làm đủ thứ việc - những công việc chân chính đầy khổ cực. Cho đến một ngày, cô nhận thấy chỉ có giúp việc mới giúp cô có được nụ cười, ánh mắt hài lòng từ khách hàng như hồi còn làm bếp, nên cô gắn bó luôn với nghề này.
Cô đôi lúc, cô mang lỉnh kỉnh nhẫn bạc, mấy chai dầu, rổ rá qua mời tôi mua, giới thiệu là đồ cô bán giùm. Mỗi món, người ta trả một hai ngàn, gom lai cũng kiếm được chút tiền chợ.
Hỏi sao cô không xin làm bếp trở lại, cô cười khùng khục, cái cười chua chát của tuổi già:"Thật ra cô có xin, mà khi đó tuổi cô không còn trẻ trung gì nữa, cộng với vẻ bề ngoài thô kệch, người ta nghĩ là cô vụng về, dơ dáy. Đầu bếp người ta chỉ tuyển nam, còn phụ bếp thì chỉ nhận thật trẻ để dễ sai bảo thôi".
Cô được nhiều người gọi là cô Liên "đi muôn nơi" vì đơn giản là cô… đi muôn nơi. Cô không phải là người giúp việc cố định ở nhà nào, mà làm theo giờ, chỉ cần có ai gọi, dù xa, dù gần, dù nội thành hay ngoại ô, ngoại tỉnh cô đều chấp nhận đi hết. Bởi như cô giãi bày "kiếm tiền bây giờ đâu có dễ con. Phải chịu thương, chịu khó, chủ động một chút người ta mới chấp nhận mình".
Một ngày của cô bắt đầu từ lúc mặt trời còn say ngủ tận đâu, lạch cạch trên chiếc xe cà tàng, xuất phát đi làm từ căn nhà thuê trong một cái hẻm nghèo ở quận Bình Tân.
Một ngày của cô Liên bắt đầu từ sớm, cô đạp xe đến các nhà theo lịch hẹn từ trước. Đến trưa, cô sẽ tìm một góc nào đó mát mát, có thể là hành lang chung cư, bụi cây ngoài đường hay một mái hiên cửa hàng xa lạ để ngơi tay ăn hộp cơm đạm bạc mà cô mang theo lúc sáng.
Sau đó, buổi chiều sẽ là lúc cô dọn dẹp những căn nhà thứ 4, thứ 5. Rồi khi xong căn thứ 6, trời cũng đã khuya lắc khuya lơ. Cỡ 1, 2 giờ khuya, cô mới về đến nhà. Trả lời câu hỏi của tôi: "Cô đi hoài vậy trộm vô hốt hết đồ thì sao?", cô nhoẻn miệng cười: "Nhà cô thì không có gì quý giá ngoài đứa cháu, nó là gia tài của cô".
Với cô, đứa cháu gái là thứ tài sản quý giá nhất mà cô còn lại
Mấy chục năm những chuyện bi hài với nghề giúp việc muôn nơi
Nghề nào mà không có bi lẫn hài, nghề giúp việc cũng không ngoại lệ. Cô nói, nghề giúp việc nhiều người thương nhưng cũng nhiều người chà đạp. Cô nhớ, có những hôm đã hẹn, nhưng chủ nhà không đúng giờ, cô phải ngồi chờ trước thềm, trời nắng gắt cả mấy tiếng đồng hồ, cô đau đầu muốn ngã khụy. Rồi có lúc cô đi dọn ở quán karaoke đầy những bãi nôn, thức ăn, bia rượu, thuốc lá, rồi thùng rác nhà nghỉ toàn bao cao su dùng rồi… "nhiều khi cô vừa dọn, cô vừa buồn nôn, vì quá dơ, một nghìn mùi xộc lên mũi chịu không nổi. Đã vậy, có lần họ còn cố tình vặn đồng hồ ngược lại, hòng ăn chặn bớt chút ít tiền giờ làm"
"Nghề này người ta coi là một nghề rẻ mạt, mình cần người ta chứ người ta không có mình thì có người khác"
"Cô làm nghề giúp việc theo giờ này cũng đã hai chục năm. Hồi trước cô lấy một tiếng làm thì 20 ngàn, rồi lần lần lên 30 chục ngàn, 40 chục ngàn. Giờ thì 50 ngàn một tiếng. Giờ cái gì cũng lên, mình không lên sao đủ sống. Mà nhiều người ngộ lắm con ơi, người ta nói cô làm rề rà chậm chạp để kéo thời gian, ăn gian tiền giờ. Mà cô bận gần chết, làm xong nhà này thì chạy sang nhà khác, cũng nhiêu đó tiền, chi phải câu giờ ăn gian không biết?" – cô Liên bức xúc nói.
Có một lần khác làm cô nhớ mãi, khi đang lau nhà dọn dẹp, sàn ướt sũng, chủ nhà vô tình bật cầu dao làm cô bị điện giật, văng xa mấy mét, đầu đập xuống đất chảy máu. Vậy mà người ta cũng không cho được một miếng dầu để xức, không một tiếng xin lỗi. Thấy cô nằm một chỗ, sợ cô chết trong nhà họ mang họa nên đuổi cô về. Bữa đó, về nhà cô ôm cháu khóc, nghĩ sao số mình khổ, tới già còn bị khinh khi.
Thậm chí, cô kể, khi cô ở độ tuổi trẻ hơn bây giờ, đôi lúc cô cũng gặp phải chủ nhà "yêu râu xanh", buông nhiều lời gạ gẫm cô. "Mấy lúc đó cô sợ quá, lật đật bỏ chạy, mất luôn một ngày công cũng được, thà đói còn hơn".
Nghề giúp việc cũng lắm khi bi hài
Cũng có một thời gian cô làm công việc nuôi bệnh. Cái nghề này cũng chẳng khá hơn. Khi mà cô hết lòng, làm đúng trách nhiệm mà không được thân nhân người bệnh mảy may thông cảm. Cô nói nhiều người thân sợ bệnh lao phổi, ung thư còn không dám vào thăm, đứng ngoài cửa, cô thì nằm dưới đất sát chân giường bệnh không một mảnh chiếu, cơm thì ăn đồ dư.
Rồi nhiều khi, đi làm giúp việc thời vụ, cô còn được yêu cầu tắm rửa, dọn chuồng, hốt phân cho chó mèo. Nhiều nhà để quá bữa mới dọn, mức độ khủng khiếp của căn phòng ra sao thì hình dung thôi cũng khiến cô rùng mình. Chưa kể gặp thú vật chưa quen, nhiều lần cô bị thương , bị cắn, bị cào đến thảm thê, chủ nhà cũng chớ gửi một lời hỏi han.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng có nhiều gia chủ rất thương cô
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sau khi gặp đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi mà cô vẫn còn gắn bó với nghề này thì chắc cũng là do những gia chủ tốt bù lại. Nhiều người thương cô lắm, biết hoàn cảnh của cô họ thông cảm, nhiều khi gửi cô thêm chút đỉnh tiền để về lo cho mấy đứa cháu. Có người mời cô ăn cơm, cho gạo, cho bánh, cho sữa.
"Hồi có cô kia, kêu cô qua dọn dẹp nhà. Mà chưa kịp dọn dẹp, cổ kêu cô ngồi nói chuyện uống nước chút nữa rồi làm. Rồi kể chuyện trên trời dưới đất, cả buổi có dọn được đâu. Cổ kêu cô kể chuyện đời, kể được vài câu, chưa gì cổ ngồi khóc ngon lành. Xong cổ nói, thôi hôm nay tui phụ cô dọn. Xong xuôi cái cổ cho cô thêm tiền… kể chuyện, thương gì đâu! Mấy lần sau tới, bánh nước phủ phê, mời cô ăn uống mà cô ngại luôn", cô Liên cười nói.
Một phút giây ngơi tay của cô Liên "đi muôn nơi"
Số phận không cho cô vui vầy với gia đình, chồng bỏ, hai cậu con trai, đứa ly hôn để lại cháu cho cô nuôi, đứa lang thang đi đâu chẳng rõ, thi thoảng lại về xin mấy đồng còm cõi của cô. Đời cô chỉ còn niềm an ủi là đứa cháu gái học giỏi, hát hay, chăm ngoan, không bao giờ dám đòi hỏi, trách móc bà một điều gì. Cô bảo, bằng mọi giá, làm lụng cực khổ trăm bề thế nào,cuộc sống chật vật ra sao, cô cũng cố để con bé được ăn học tới nơi.
Bàn tay chai sạn, khô quắt lại vì 20 năm qua, cô Liên phải bươn chải với nghề giúp việc
Mối lo ngại lớn nhất của cô chính là sức khỏe, tuổi tác đang cao lên từng ngày, tỉ lệ nghịch với sức khỏe mà cháu cô thì còn nhỏ, chưa thể tự lập. Cô bị bệnh lao phổi nặng, nhập viện mấy lần, thuốc thang lên đến tiền triệu. Nhiều lần không đủ tiền, cô phải bỏ viện đi về, bác sỹ bảo mổ cô cũng chỉ lắc đầu.
Ánh hoàng hôn thì đang khép, chiếu những tia sáng cuối cùng trong ngày, vội vàng lọt vào khóe mắt nhăn nheo của cô Liên một nỗi buồn sâu lắng khó tả. Rồi cô lại hồ hởi trả lời khi tôi hỏi về ước mơ của cô:"Cô chỉ mong bé cháu được ăn học thành tài, sau này có cái đầu ra đường, đỡ phải khổ cực như cô. Cô ít học, lăn lộn ngược xuôi mấy chục năm nên cô biết, kiến thức và những con chữ quan trọng biết chừng nào. Riêng về bản thân mình, cô không ước gì thêm, chỉ là khi chết rồi, có được cái hòm là mãn nguyện, mình nghèo ước mơ gì hơn’’.
"Riêng về bản thân mình, cô không ước gì thêm, chỉ là khi chết rồi, có được cái hòm là mãn nguyện, mình nghèo ước mơ gì hơn’’
"Cạch". Tiếng cửa phòng tôi đóng lại. Tôi còn nghe tiếng thở dài xa dần. Cô ra về ở một căn nhà này, nhưng lại bước đến một căn nhà khác, cánh cửa này đóng, cánh cửa khác sẽ mở, một nỗi vất vả vừa tạm ngưng đi, sẽ tiếp tục có một nỗi vất vả khác xuất hiện. Nhưng tôi tin, cái ước mơ nhỏ nhoi của cô Liên "đi muôn nơi" rồi sẽ thành hiện thực.
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng nhận xét