Đã lâu rồi RAC MiG - nhà chế tạo máy bay lẫy lừng thế giới của Nga không nhận được đơn hàng mới. MiG-35 dù được quảng cáo là hiện đại nhưng chẳng được mấy khách hàng quan tâm.
Đó là một phần nguyên nhân dẫn tới sự bết bát của RAC MiG và khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về tương lai của đơn vị chế tạo chiến đấu cơ lừng danh một thời của Liên Xô/Nga.
Dấu hỏi phũ phàng ấy nay đang dần có lời giải khi kế hoạch phát triển các bộ phận tới năm 2020 của Ban lãnh đạo Các chương trình máy bay chiến đấu thuộc Tập đoàn Chế tạo máy bay Liên hợp Nga (UAC) bị rò rỉ, trong đó có nhắc tới tương lai của công ty con RAC MiG thuộc Tập đoàn này.
Nhà chế tạo máy bay chiến đấu lừng lẫy
Công ty chế tạo máy bay RAC MiG được thành lập từ năm 1935, dưới cái tên Văn phòng thiết kế 155 (OKB-155) và sau đổi tên thành Phòng thiết kế Mikoyan và Gurevich (viết tắt là MiG) ghép tên của 2 tổng công trình sư chế tạo máy bay chiến đấu nổi tiếng bậc nhất Liên Xô thời bấy giờ là Artyom Mikoyan and Mikhail Gurevich.
Họ đã cho ra đời hàng chục loại máy bay chiến đấu được đánh giá là ở đẳng cấp vượt trội với những tính năng hoàn hảo. Trong suốt mấy thập kỷ từ những năm 1950 tới 1970, các dòng máy bay tiêm kích như MiG-15, MiG-17, MiG-21 làm mưa làm gió trong các cuộc không chiến ở Triều Tiên, Việt Nam hay Trung Đông.
Đặc biệt trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam, MiG-17 và MiG-21 được lái các phi công tiêm kích Không quân Việt Nam dù tuổi đời còn rất trẻ, số giờ bay tích lũy còn ít, nhưng lại rất thông minh, sáng tạo và bản lĩnh, đã khiến các phi công sừng sỏ của Không quân và Không quân hải quân Mỹ phải nể phục.
Tiêm kích MiG-29.
Tiếp đó, mặc dù MiG-23/27, MiG-25 không quá nổi bật nhưng cũng được một số quốc gia coi là các máy bay tiêm kích chủ lực của mình.
Sau nữa là MiG-29 và MiG-31 là hai dòng máy bay tiêm kích được cả thế giới đánh giá rất cao. Một loại thì có tốc độ, radar, tên lửa khủng khiếp (MiG-31), một loại thì sở hữu những tính năng kỹ - chiến thuật hoàn hảo, xứng tầm là một dòng máy bay tiêm kích đáng gờm khiến đối phương phải e sợ.
Nhìn vào số lượng máy bay xuất xưởng, có lẽ MiG luôn đứng hàng đầu: MiG-15 có 18.000 chiếc (6.000 chiếc sản xuất, lắp ráp ở một số quốc gia theo giấy phép chuyển giao công nghệ); MiG-17 có hơn 11.000 chiếc; MiG-21 có hơn 11.500 chiếc (hàng nghìn chiếc sản xuất, lắp ráp ở một số quốc gia theo giấy phép chuyển giao công nghệ).
Nhưng thời oanh liệt nay còn đâu?
Trong những cuộc xung đột gần đây, MiG-29 đã tham chiến ở Iraq, Nam Tư,... mặc dù được đánh giá là dòng tiêm kích mạnh mẽ, nhưng thật tiếc, kết quả không chiến khá tệ, liên tiếp bị máy bay đối phương bắn hạ.
Tất nhiên, cũng khó trách được MiG-29 hay phi công lái chúng vì đối phương quá mạnh, cuộc chiến quá chênh lệch nên kết quả không như mong muốn là điều chúng ta có thể hiểu được.
Binh sĩ Mỹ đang nghiên cứu xác một chiếc MiG-29 của Nam Tư bị bắn hạ năm 1999 bởi các lực lượng NATO ở Bosnia and Herzegovina. Ảnh: US Army/SPC Tracy Trotter.
Nhưng điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng tới danh tiếng của RAC MiG, khi liên tiếp trong vòng hơn 15 năm qua, họ hầu như không nhận được đơn hàng lớn nào kể cả từ Không quân Nga hay của khách hàng nước ngoài. MiG vật vã, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Nga cố gắng duy trì sự sống cho họ khi thi thoảng lại "ban" cho một đơn hàng nhỏ.
Thời oanh liệt của MiG đã qua! Theo kế hoạch cải cách tới năm 2020, UAC dường như đã quyết định loại bỏ tư cách độc lập của RAC MiG và sẽ sáp nhập đơn vị này vào Công ty chế tạo máy bay Sukhoi để trở thành một cấu trúc duy nhất.
Theo kế hoạch, dự kiến RAC MiG và Sukhoi sẽ sáp nhập trong giai đoạn 2017-2018. Công tác hỗ trợ thiết kế và hỗ trợ kỹ thuật đối với các dòng máy bay chiến đấu MiG-29 và MiG-31 sẽ được thực hiện bởi một bộ phận chuyên trách của Sukhoi.
Đề xuất sáp nhập trên được đưa ra dựa trên thực trạng của ngành công nghiệp chế tạo máy bay quân sự Nga. Việc phát triển một dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 5 đang bị đình lại, trong khi Nga lại chưa muốn phát triển một dòng máy bay tiêm kích mới để thay thế MiG-31.
Tiềm năng của thị trường nâng cấp dòng MiG-29 là hữu hạn và cũng ít khách hàng quan tâm khi mà phiên bản cải tiến sâu của MiG-29 là MiG-35 đang được đẩy mạnh với hy vọng sớm tìm được khách hàng để xuất khẩu.
Tiêm kích MiG-35.
Trong vòng 1 thập kỷ gần đây, Công ty MiG chỉ giành được các hợp đồng đại tu, nâng cấp MiG-29. Họ sẽ phải đóng của hoàn toàn dây chuyền sản xuất các máy bay MiG sau khi hoàn thành đơn hàng 46 chiếc MiG-29M/M2 cho Ai Cập (giai đoạn 2017-2020) và sau đó là đơn hàng tiềm năng của Bộ Quốc phòng Nga đặt mua MiG-35.
Dường như, các nhà lập kế hoạch chẳng mấy tin tưởng vào tương lai của MiG-35 khi kết luận rằng sẽ khó kiếm được một khách hàng nước ngoài có thể đặt mua số lượng lớn dòng tiêm kích này.
Gần đây cái tên MiG cũng ít được giới truyền thông nhắc tới. Lần mới nhất có lẽ là vào tháng 3 năm nay với chuyến bay thử tại sân bay MM Gromov của chiếc tiêm kích MiG-29M2 (số hiệu thân 811) mà họ chế tạo theo đơn hàng của Ai Cập. Dự kiến, những chiếc MiG-29M2 đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Không quân Ai Cập vào quý II 2017.
Đăng nhận xét