Bạo lực gây tổn thương tinh thần, thể chất học sinh thế nào?

Theo thạc sỹ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), dù là học sinh bị đánh hay đánh bạn, cả 2 phía đều bị tổn thương.

- Liên tục những vụ bạo lực học đường diễn ra trong thời gian gần đây gây bức xúc dư luận, theo bà nguyên nhân nào khiến học sinh bây giờ dễ "manh động" như vậy?

- Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh: Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Từ phía học sinh, bạo lực học đường bùng phát nhiều nhất ở giai đoạn cuối THCS và đầu THPT - lứa tuổi mà học sinh đang ở giai đoạn dậy thì rất mạnh. Lượng hooc-môn trong cơ thể tăng cao khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái quá hưng phấn, dễ bị kích động, khả năng tiết chế cảm xúc kém. 

Học sinh gây ra bạo lực đa số thuộc các đối tượng sau: Học sinh có học lực kém, lười học, thích tụ tập chơi bời; Kỹ năng xã hội kém, không được giáo dục đầy đủ về xử lý hành vi; Học sinh có tiền sử bị rối loạn tăng động giảm chú ý, dễ gây gổ; Học sinh bị nhiễm thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề; Học sinh từng dùng chất kích thích.

Những học sinh có gia đình lục đục, hay đánh chửi nhau cũng dễ bị ảnh hưởng. Các em dễ coi việc dùng bạo lực, dùng sức mạnh đánh đập người khác là "đương nhiên" chứ không phải bất thường. Ở những gia đình vừa xảy ra những cú sốc lớn: kiện tụng, ly hôn, phá sản, đánh nhau... hay những gia đình giàu có và học thức nhưng bố mẹ quá ít thời gian cho con, quá tập trung vào công việc mà lơ là việc con cái. Trẻ cảm giác bị bỏ rơi, bị cô lập, sống cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Tâm lý bị dồn ép, kìm nén lâu ngày cũng dễ nảy sinh bạo lực. 

Hình ảnh Bạo lực gây tổn thương tinh thần, thể chất học sinh thế nào? số 1

Bạo lực gây tổn thương tinh thần, thể chất học sinh thế nào? Ảnh minh họa: Internet

- Rất nhiều bậc cha mẹ hiện đang ỉ lại việc giáo dục con cho nhà trường, vậy trường học hiện này đã “tròn vai” trong việc giáo dục đạo đức chưa thưa bà?

- Nhiều trường học đang dành quá nhiều thời gian vào việc dạy kiến thức, áp lực về thành tích, thi cử, thanh tra, thay đổi chương trình giáo dục liên tục... khiến nhiều trường không có thời gian hoặc ít có thời gian dành cho việc giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách, dung dưỡng tâm hồn nhân ái cho trẻ. Trong 4 yếu tố: đức, trí, thể, mỹ thì chúng ta mới chỉ tập trung vào giáo dục trí là chính, 3 yếu tố: đức, thể, mỹ đang bị xem nhẹ hoặc có dạy nhưng chưa đến nơi đến chốn. Nhiều vụ việc bạo lực học đường, xâm hại tình dục, làm nhục học sinh từ một bộ phận nhỏ giáo viên cũng phần nào ảnh hưởng đến truyền thống "tôn sư trọng đạo" của học trò. 

- Rất nhiều vụ bạo lực gần đây liên quan đến mạng xã hội, internet… vậy theo bà truyền thông có trách nhiệm gì ở đây?

- Chưa bao giờ báo chí rơi vào tình trạng "bội thực" các tin: cướp, giết, hiếp... như hiện nay. Người ta dùng nó để câu like, câu view mà không biết rằng, đó là nguyên nhân gián tiếp "tiêm nhiễm" vào máu con trẻ tư tưởng bạo lực. Hiện, chỉ cần một cú click chuột trên internet, trẻ dễ dàng tiếp cận đến hàng trăm các bộ phim, trò chơi, video, tin tức bạo lực. Đây chính là căn nguyên khiến trẻ dễ dàng bị kích động, coi bạo lực là một giải pháp đương nhiên để giải quyết ức chế tâm lý khi cần thiết. 

Hình ảnh Bạo lực gây tổn thương tinh thần, thể chất học sinh thế nào? số 2

Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh. Ảnh: Internet

- Bạo lực học đường tác động đến tinh thần và thể chất của học sinh như thế nào?

- Tùy mức độ nặng nhẹ của tính chất từng vụ việc mà có sự ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của học sinh khác nhau. Về tâm lý, trẻ bị bạo lực dễ co cụm, lo sợ, tự ti, thậm chí bị ám ảnh suốt cuộc đời. Trẻ gây ra bạo lực sau khi bị người lớn can thiệp cũng để lại những "vết thương" tâm lý lâu dài. Nói chung, dù là bị đánh hay đánh bạn, cả 2 phía đều bị tổn thương.

Về mặt thể chất: Đương nhiên nếu bị đánh hội đồng, đánh nhiều lần, đánh tàn bạo... thì thể chất chắc chắn bị ảnh hưởng. Không chỉ gây tổn hại về kinh tế, nếu thể chất bị xâm hại nghiêm trọng còn dẫn đến những  hệ quả mang tính thế hệ: tàn phế, vô sinh, khuyết tật suốt đời. 

- Vậy theo bà, có giải pháp nào để triệt tiêu bạo lực học đường?

- Đối với chính quyền địa phương, cần tạo ra các sân chơi bổ ích cho con trẻ; xây dựng cộng đồng văn minh, hòa ái; hạn chế những tiêu cực ảnh hưởng đến học sinh; xử lý nghiêm minh những vụ bạo lực trong và ngoài trường học. Tại các trường phải có chính sách trải thảm đỏ, tìm kiếm người tài cho những hoạt động thực sự hữu ích thu hút đông đảo học sinh tham gia. Từ đó, giúp các em tránh xa tiêu cực, hạn chế game bạo lực & yêu thích việc đến trường.

Ở gia đình, cha mẹ nên dành thời gian để quan tâm đến con, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ, buồn vui của con; "lớn lên" cùng con và đặc biệt, cần tích cực học kỹ năng làm cha mẹ để thực sự trở thành những người bạn lớn của con. Phá bỏ định kiến: cha mẹ luôn đúng, con cái phải tuân thủ mệnh lệnh của cha mẹ. 

Ngoài ra, cần kiểm soát nghiêm ngặt các tin tức đăng tải trên báo chí, truyền hình, internet; có biện pháp xử lý nghiêm minh các đơn vị, tổ chức, cá nhân đưa tin bạo lực không đúng quy định. Cần đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa các chuyên mục: "người tốt việc tốt", "việc tử tế", "lá lành đùm lá rách"... để lan tỏa các giá trị nhân văn, hữu ích đến cộng đồng. 

Xin cảm ơn bà!

Anh Tuấn (thực hiện)

Nguồn : Người đưa tin

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget