Nuốt lời, bỏ trốn sau khi gây tai nạn bị xử lý thế nào?

Theo luật sư, người điều khiển xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo yếu tố lỗi của các bên, mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như tổn hại về sức khỏe gây ra cho người bị hại.

Mới đây, cộng đồng mạng bức xúc và đăng tin truy tìm chủ xe đâm gãy tay cháu bé 3 tuổi rồi bỏ trốn dù trước đó đã hứa sẽ có trách nhiệm chu đáo. Theo thông tin từ chủ tài khoản đăng tải thông tin, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 23/10 tại khu đô thị Đại Kim - Hoàng Mai- Hà Nôi.

Trao đổi với PV về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn rồi bỏ trốn, luật sư Quách Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty Luật Thanh Thiên Trường nhận định, trường hợp hành vi gây tai nạn giao thông của người lái xe ô tô không cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự thì áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 7, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

 Cụ thể, Khoản 7, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:

"... Phạt tiền 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h;

b) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;"

Luật sư cho biết thêm: "Ngoài việc bị xử phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng tùy hành vi vi phạm theo quy định tại điểm c, Khoản 12 Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP".

Hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy có cấu thành tội phạm hình sự?

Đề cập đến câu hỏi này, luật sư Thủy nói: "Trong trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi bổ sung 2009) thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp này.

Cụ thể, Điều 202 Bộ Luật hình sự 1999 (Sửa đổi bổ sung 2009) quy định:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm…”

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, thì: … “b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;…” được coi là gây thiệt hại nghiêm trọng.

"Như vậy, trong trường hợp trên tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật của cháu bé mà xác định trách nhiệm pháp lý của người gây tai nạn là trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự" - Luật sư Thủy nhận định

Việc gây tai nạn rồi bỏ trốn còn là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu vụ tai nạn đó có dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.

Cụ thể Luật sư nhấn mạnh: "Nếu hành vi gây tai nạn cấu thành tội phạm như quy định tại Khoản 1 Điều 202 nhưng người vi phạm bỏ trốn không chịu trách nhiệm với người bị nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn có thể phải áp dụng khung hình phạt tăng nặng quy định tại Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:…c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;”

“Như vậy, người lái xe có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào kết quả giám định tỷ lệ thương tật của cháu bé (> 31%) và việc chứng minh yếu tố lỗi gây ra tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” – Luật sư khẳng định.

Trung Khánh (ghi)

Nguồn : Tin Nhanh Online

Đăng nhận xét

MKRdezign

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Javascript DisablePlease Enable Javascript To See All Widget