Khi Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tăng lãi suất các khoản vay từ nguồn vốn ODA lên khoảng 2-3,5%, ngoài ra WB cũng buộc đẩy nhanh tốc độ trả nợ.
Thông tin từ Dân trí, VOV, Zing.vn, tại buổi họp báo chuyên đề chiều 25/10 vừa qua, trong báo cáo tình hình thực hiện các dự án ODA (vốn viện trợ phát triển chính thức) thời gian qua của Bộ Tài chính, ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính cho biết, thời gian sắp tới dự kiến đến tháng 7/2017, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ không được vay theo điều kiện ODA. Bên cạnh đó, cũng sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ vay ODA, thời hạn trả có thể nhanh gấp đôi hiện nay, ngoài ra lãi suất vay cũng sẽ theo đó tăng lên, từ 2%-3,5%.
Ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính. Ảnh: Zing.vn |
Lý giải cho quyết định này của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Hải cho biết, bắt đầu từ năm 2010 Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, từ đó mức độ ưu đãi từ các khoản cho vay của đối tác phát triển giảm rõ rệt. Một số nhà tài trợ chuyển khoản vay từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
Thêm vào đó, việc thay đối quan niệm về thu nhập bình quân/người cũng làm thay đổi tính chất vốn vay ODA, đặc biệt là thay đổi lãi suất vay, thời hạn vay và có gia hạn thời gian trả lãi và gốc.
Được biết, khoảng thời gian từ năm 2010, thời hạn vay trung bình khoảng 30-40 năm, chi phí vay chỉ khoảng 0,7%-0,8%/năm. Tuy nhiên đến giai đoạn 2011-2015, thời hạn vay trung bình giảm xuống 10-25 năm tùy theo từng đối tác hay từng loại vay, còn chi phí vay tăng lên khoảng 2%/năm trở lên.
Trong giai đoạn 10 năm từ 2005-2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi đã ký kết là 45 tỷ USD. Còn tính riêng 9 tháng qua, tổng vốn ODA đã huy động là 350,5 nghìn tỷ đồng, đạt 77,5% so với kế hoạch đề ra đầu năm. Nguồn vốn ODA vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển y tế; giáo dục; đào tạo, phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Hoài An (tổng hợp)
Nguồn : Tin Nhanh OnlineVideo có thể bạn quan tâm
Đăng nhận xét