Mặc dù đã có làn ưu tiên nhưng vào giờ cao điểm, xe buýt nhanh BRT vẫn phải chịu trận khi tham lưu thông nhiều xe máy, ô tô vẫn tạt đầu, không nhường đường.
Theo thông tin trên VietNamNet, Pháp Luật Plus, vào 7h sáng nay 29/12 nhiều đoạn đường từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã bị ùn tắc trầm trọng vào giờ cao điểm, dẫn đến thời gian xe buýt nhanh vận hành chậm hơn dự kiến.
Làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT vẫn bị các phương tiện khác xâm lấn vào giờ cao điểm. Ảnh: VNN |
Đoạn đường tắc nghiêm trọng nhất là nhà chờ Tố Hữu - Khuất Duy Tiến. Đáng chú ý, khi tham lưu thông nhiều xe máy, ô tô vẫn tạt đầu, không nhường đường cho BRT, thậm chí còn chạy thẳng vào làn đường dành cho BRT.
Buýt nhanh cũng phải chen chúc vào giờ cao điểm khi ngày nào cũng xảy ra ùn tắc và mặt đường hầu như không còn chỗ nào trống do phương tiện ken đặc. Ảnh: VNN |
Việc Hà Nội dự kiến đưa vào vận hành tuyến xe buýt nhanh Kim Mã – Yên Nghĩa từ ngày 1/1/2017 nhưng chưa có phương án xử lý ùn tắc giao thông khiến nhiều người lo ngại. Và thực tế trong những lần chạy thử nghiệm điều mọi người tiên đoán đã thành sự thật khi buýt nhanh mà chẳng nhanh hơn buýt thường.
Một số chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phát triển giao thông cũng cho rằng, mục tiêu để thực hiện dự án buýt nhanh tại Hà Nội là đảm bảo trật tự giao thông, hạn chế ùn tắc và tăng khả năng thông hành của hành khách đi xe buýt.
Tuy nhiên với thực tế đang diễn ra, khi đưa tuyến buýt BRT đi vào hoạt động các mục tiêu trên có đạt được? Theo các chuyên gia này, ngăn và cấm đường trên diện rộng như trên sẽ gây ra hệ luỵ lớn, thậm chí hệ luỵ kép đối với giao thông. Trong khi đó năng suất vận chuyển của buýt nhanh trên tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa thực tế chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân.
Đức Hòa (tổng hợp)
Nguồn : Tin Nhanh Online
Đăng nhận xét