Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải từ thời cựu Tổng thống Barack Obama bằng cách triển khai nhóm tàu sân bay Carl Vinson tới Biển Đông.
Theo Navy Times, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và Hải quân Mỹ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ba quan chức quốc phòng giấu tên cho biết, trong kế hoạch hiện diện mới này, tàu chiến của Mỹ sẽ áp sát và đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa và khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Nhóm tàu sân bay Carl Vinson, đóng tại căn cứ San Diego (bang California) còn có các tàu khu trục Wayne E. Meyer và Michael Murphy, tàu tuần dương Lake Champlain và các phi đội bay tác chiến. Hiện nhóm tàu sân bay Carl Vinson đã đến Guam.
Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson nhiều khả năng sẽ được Mỹ triển khai tới Biển Đông. Ảnh: Navy Times |
Trong năm 2016, Mỹ từng điều tàu chiến đến gần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhằm thách thức yêu sách cũng như sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
Kế hoạch hành động mới của Hải quân Mỹ sẽ được đệ trình Tổng thống Donald Trump xem xét và phê chuẩn.
Theo đánh giá của Navy Times, kế hoạch hiện diện này có thể là phép thử dành cho chính quyền Trump về chính sách đối với châu Á.
"Tôi không tin (chính quyền Trump) có thể buộc Trung Quốc rút khỏi những đảo mới được xây dựng (phi pháp) ở quần đảo Trường Sa. Nhưng Mỹ có thể phát triển chiến lược nhằm ngăn chặn việc tiếp tục cải tạo đất và quân sự hóa, không để Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới đe dọa và ép buộc các nước láng giềng", chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược CSIS nhận xét.
Trong một diễn biến khác, hôm 8/2, một máy bay quân sự Trung Quốc và một máy bay tuần tra Mỹ đã bay áp sát "không an toàn" trên Biển Đông. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nói rằng, về cơ bản máy bay của Trung Quốc đã "tạt qua mũi" máy bay Mỹ khiến nó "phải lập tức đổi hướng".
"Chúng tôi không thấy chứng cứ nào cho thấy đó là sự cố tình. Đúng là chúng tôi có những bất đồng với Trung Quốc về quá trình quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng các tương tác giữa tàu và máy bay phần lớn vẫn chuyên nghiệp và an toàn. Đây dường như chỉ là một việc hy hữu", ông Davis nói.
Lê Huyền (tổng hợp)
Nguồn : Tin Nhanh Online
Đăng nhận xét