Những lát cắt về tình cảm thầy trò, đạo học, đạo hiếu… trên mọi nẻo đường đất nước, từ điểm đầu của Tổ Quốc, dưới chân cột cờ Lũng Cú, đến Đất mũi Cà Mau, ra đến nơi hải đảo xa xôi… khiến không ít khán giả xem truyền hình xúc động.
Liên tục trong 16 tiếng đồng hồ, từ 7h sáng đến 23h đêm ngày 20/11, cầu truyền hình “Ngày thầy trò” mừng ngày nhà giáo Việt Nam đã thu hút hàng triệu khán giả theo dõi.
16 tiếng không thể chuyển kênh
Trước đó, đã từng có những lo lắng rằng, với 16 tiếng, làm sao để giữ được cảm xúc liên tục và người xem không chuyển kênh? Thì ngay sau đó, chính khán giả cũng ngạc nhiên bởi mình đã liên tục bị lôi cuốn vào những cung bậc cảm xúc mà chương trình đem lại qua những lát cắt về tình cảm thầy trò, đạo học, đạo hiếu… trên mọi nẻo đường đất nước, từ điểm đầu của Tổ Quốc, dưới chân cột cờ Lũng Cú, đến Đất mũi Cà Mau, ra đến nơi hải đảo xa xôi…
Chương trình "Ngày thầy trò" được truyền hình liên tục trong 16 tiếng đồng hồ, từ 7h sáng đến 23h đêm ngày 20/11. |
Liên tục trong 16 tiếng, không khí về ngày 20/11 ở khắp mọi miền, tình cảm thầy trò, đặc biệt là tấm gương của các thầy cô giáo ở những nơi khó khăn nhất, ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất trong cuộc sống vẫn kiên cường vì thế hệ mai sau trong sự nghiệp “trồng người”… đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về những người giáo viên tận tuỵ với sự nghiệp giáo dục.
Hình ảnh của cô giáo Mơ, đã để sang bên cạnh đời sống riêng tư của mình, chấp nhận vất vả lặn lội đi dạy chữ cho những em nhỏ ở xã đảo Cần Giờ; cô giáo Đỗ Thị Thơm, trường mầm non Chương Mỹ, Hà Nội có chồng làm lính ở đảo xa mỗi năm về 1-2 lần, con đã hơn 1 tuổi còn chưa từng được gặp mặt cha, hay cô giáo Hoài Thương (Khánh Hoà) dành hết tình yêu thương của mình cho học trò nhỏ là con lính đảo, bởi chồng cô cũng là lính đảo… Chương trình đã kết nối trực tiếp giữa gia đình các cô giáo với những người chồng đang ở đảo xa khiến người xem rưng rưng. Cô Đỗ Thị Thơm bày tỏ, nhờ “Ngày thầy trò”, đây là ngày 20/11 ý nghĩa nhất của cô từ khi bước chân vào sự nghiệp giáo dục, mặc dù là sự hội ngộ gián tiếp qua màn hình, nhưng đó là giây phút “quây quần” hiếm hoi mà ấm áp của cả gia đình.
Cứ như thế, trong suốt 16 tiếng, những thước phim giá trị của chương trình đã làm người xem khi cười vì hạnh phúc, khi lại bồi hồi nhớ lại thầy cô của mình, khi cảm thấy cay mắt trước những câu chuyện của bao người thầy, người cô dẫu khó khăn vô cùng vẫn kiên cường với công việc, khi nghẹn ngào trước những người thầy đã hy sinh cuộc sống cá nhân, xa vợ con nhỏ, hy sinh niềm vui tuổi trẻ để vì ngày mai của học trò, đổi lấy hạnh phúc bình dị là niềm tin của gia đình học sinh, là những ánh mắt thơ ngây ham học…
Những thước phim giá trị của chương trình khiến không ít người xúc động. |
Một ngọn lửa của niềm tin, hy vọng
Và “tiếp sức” cho “ngọn lửa” ấy, là món quà tinh thần vô cùng to lớn và ý nghĩa đã được gửi tới các thầy cô giáo và các em học sinh trong chương trình. Đó là sự kiện Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới các thầy và trò thông qua chương trình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc mừng tới các thầy và trò thông qua chương trình. |
Đây cũng là chương trình mà lần đầu tiên người đứng đầu cao nhất của Nhà nước đã 3 lần xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là một lần Chủ tịch nước nói những lời chúc mừng cụ thể cho các thầy cô giáo, các em học sinh ở từng nơi một.
Chủ tịch nước đã có những lời chia sẻ đầy thấu hiểu với thầy cô và học sinh ở Lũng Cú (Hà Giang), đất mũi Cà Mau, hay nơi đang gánh chịu hậu quả bão lũ ở Phương Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh). Không chỉ thế, Chủ tịch nước còn quan tâm đến những cá nhân cụ thể như cô giáo Vừ Thị Thu, gia đình khó khăn của cô giáo Đào (Hua Bum- Lai Châu), hay em nhỏ nghèo Thái Văn Hiếu (Hà Tĩnh)… Cô giáo Đào đã nghẹn ngào rơi nước mắt khi được người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước quan tâm đến chính mình. Sự thăm hỏi giản dị mà ân cần đó, đã khiến những người giáo viên, những người học trò phấn chấn hơn, tin tưởng hơn vào tương lai và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới sự nghiệp giáo dục ở muôn nơi.
Hoà chung với sự động viên của các đồng chí lãnh đạo, khán thính giả ở khắp mọi miền cũng đã có những sẻ chia cùng các thầy cô, cũng như có những đóng góp về công tác giáo dục. Sự tương tác đặc biệt ấy đã tạo cảm hứng cho hàng vạn khán giả gửi lời chúc đến các thầy cô thông qua chương trình và nồng nhiệt tham gia cuộc thi ảnh tình thầy trò với hàng ngàn bức ảnh. Kết quả, giải Nhất thuộc về bức ảnh ý nghĩa “Cô trò vùng cao” của tác giả Hoàng An.
Bức ảnh "Cô trò vùng cao" đạt giải nhất của chương trình. |
Bức ảnh "Chắp cánh ước mơ" đạt giải nhì. |
"Những tâm hồn cao đẹp" đạt giải khuyến khích. |
Cô và trò ở Trường Sa đạt giải Like và share. |
Giang Trần
Đăng nhận xét